Thanh Hóa – Khó khăn trong việc quản lý lao động xuất cảnh trái phép
Thời gian qua, tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đáng lo ngại. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có lao động trốn sang nước ngoài trái phép mà không thông qua các cơ quan hữu quan hoặc doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
Công an huyện Hà Trung bắt giữ đối tượng Nguyễn Thành Công về hành vi tổ chức đưa người trốn sang Trung Quốc trái phép. Ảnh: đình hợp (PX15- Công an tỉnh)
Những lao động này chủ yếu thông qua người nhà, người quen đang làm ở nước ngoài đã biết rõ đường đi nước bước đưa sang hoặc qua môi giới trung gian. Phần đông lao động ở nông thôn do thiếu việc làm, trình độ thấp, cả tin theo những lời hứa hảo, nghe kẻ xấu xúi giục, mơ tưởng làm giàu mà dẫn đến vi phạm pháp luật. Đáng nói là do không được pháp luật bảo hộ, bảo lãnh khi ở nước ngoài, nên nhiều trường hợp gặp vô vàn những rủi ro, như: không được trả lương đều đặn, không được làm công việc như thỏa thuận ban đầu, lao động khổ sai, đưa vào nhà thổ, bị đánh đập, thậm chí bỏ mạng hoặc bị kẻ xấu lợi dụng trở thành nạn nhân của đường dây vận chuyển hàng lậu, ma túy, buôn người, buôn bán nội tạng, trở thành tội phạm...
Người lao động tìm việc làm, để mưu sinh là nhu cầu chính đáng, song cũng vì thế mà nhiều người bất chấp luật pháp và cả những nguy hiểm rình rập đến tính mạng. Hơn nữa, do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, cơ quan chức năng cấp thủ tục thông hành qua biên giới khá dễ dàng. Trong khi đó, thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây tổ chức đưa đi nước ngoài hoạt động ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Nếu trước kia các đối tượng về tận các làng quê để đón lao động, thì nay, chúng lại móc nối với một số người ở nhà tìm người, sau đó hướng dẫn họ tự lên biên giới. Không những thế, các đối tượng còn tổ chức đưa lao động ở nhiều địa bàn cùng đi. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thì họ nhất định không khai báo, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Thượng tá Nguyễn Văn Sáng, Phó Trưởng phòng Phòng Bảo vệ chính trị - Công an tỉnh, cho biết: Trước thực trạng trên, Công an tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều biện pháp tuyên truyền vận động, đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép. Đặc biệt, ngày 16/2/2016 Giám đốc Công an tỉnh đã có công văn về mở đợt cao điểm triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng công dân Thanh Hóa xuất cảnh sang Trung Quốc lao động trái phép, đã góp phần mang lại hiệu quả, làm giảm đáng kể số lao động xuất cảnh trái phép, nhiều lao động cam kết không đi, ở lại quê hương làm việc. Đã có thời điểm trên địa bàn tỉnh ta có hơn 13.000 người xuất cảnh trái phép. Trong đợt cao điểm tuyên truyền kể trên có tổng cộng 10.932 người tham gia, trong số đó có 5.080 người cam kết không đi lao động trái phép. Tính đến nay, toàn tỉnh còn 4.552 lao động đang làm việc trái phép tại Trung Quốc; lực lượng chức năng đã bắt giữ 625 trường hợp; ngăn chặn 138 trường hợp; 471 trường hợp được người thân gọi về...
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan thông tin Trung ương và địa phương tuyên truyền, vận động người lao động chủ động học nghề để đăng ký đi xuất khẩu lao động theo con đường chính thống cũng như đi làm tại các khu công nghiệp. Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, người lao động còn được vay vốn, chuyển đổi nghề, giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.... Chính quyền các địa phương vận động gia đình có con em vượt biên trái phép làm thuê tại Trung Quốc trở về nước, nhất là số lao động đi làm thuyền viên đánh cá trên biển. Có chế tài xử phạt nghiêm đối với cá nhân, tổ chức trong việc đưa người đi làm việc trái phép ở nước ngoài. Tuy nhiên, đây là ”cuộc chiến” đầy cam go và thử thách, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để góp phần hạn chế, ngăn chặn tình trạng lao động xuất cảnh trái phép đang là tồn tại lớn của xã hội hiện nay.
Điều 274 Bộ luật Hình sự qui định: ”Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại nước ngoài, ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Nguồn Theo baothanhhoa.vn
DANH SÁCH BÌNH LUẬN